Các bước kiểm tra tổng thể một chiếc Laptop Cũ đã qua sử dụng.
Để kiểm tra một chiếc Laptop Cũ chúng ta sẽ thực hiện các bước xem xét chiếc Laptop từ ngoài vào trong, từ các phần cứng cho đến thông số kĩ thuật mềm trong máy, đánh giá và xem xét để lựa chọn một chiếc Laptop Cũ phù hợp với nhu cầu sử dụng và khả năng tài chính của bạn.
1) Kiểm tra ngoại hình
Đầu tiên là vỏ máy, phần mà bất cứ ai khi nhìn vào một chiếc Laptop cũng có thể thấy đầu tiên. Chúng ta có thể đánh giá màu sắc, chất liệu, độ xước xát, độ nguyên vẹn của vỏ máy có phù hợp hay nằm trong phạm vi chấp nhận được của bạn không ? Vì là Laptop Cũ nên khó có thể tránh khỏi tình trạng xước xát, vì thế nên bạn cũng đừng quá khó khăn trong việc lựa chọn, hãy chọn những chiếc Laptop với ngoại hình vừa tầm chứ đừng quá hoàn hảo, hay không tì vết như Laptop Mới.
Kiểm tra các góc cạnh trên vỏ máy
Tiếp đó kiểm tra các chi tiết trên máy như màn hình có bị xước, vỡ không ? phím có bị bong tróc, mất phím không ? Bàn di chuột có lung lay, không chắc chắn ? Hãy chắc chắn rằng các bộ phận này vẫn còn hoạt động bình thường.
Kiểm tra các chi tiết trên máy như màn hình, bàn phím, bàn di chuột.
Nếu bạn tìm kiếm một chiếc Laptop để làm việc, hãy kiểm tra xem chiếc Laptop có đầy đủ các cổng kết nối mà bạn cần sử dụng không, hãy kiểm tra mức độ han gỉ, các chân kết nối có bị gãy không ? Chắc chắn rằng sẽ không có vấn đề gì về cổng kết nối để sau này bạn sẽ phục vụ các công việc thuyết trình,...
Kiểm tra các cổng kết nối
Kiểm tra tem trên màn hình, pin (nếu là pin ngoài), đế máy. Tem sẽ cho biết nguồn gốc và khả năng các linh kiện có còn nguyên zin 100% theo máy hay là đã bị thay thế hoặc sửa chữa không. Nhưng thông tin này chỉ là tương đối chính xác chứ không hoàn toàn là 100%, vì rất nhiều lý do như tem dán là của cửa hàng hoặc khi nhập máy cửa hàng có thể mở máy ra để kiểm tra, khiến tem bị bong tróc. Tuy độ chính xác không cao, nhưng những máy có tem thường đảm bảo tránh rủi ro hơn so với máy tem đã bị bóc.
Kiểm tra tem góc màn hình và dưới đế máy
Nếu được phép thì chúng ta có thể mở máy ra kiểm tra chính xác các linh kiện bên trong, ở phần kiểm tra này cần phải có những người có kinh nghiệm hoặc thợ Laptop mới đủ trình độ để kiểm tra chính xác. Duylinhlaptop chỉ hướng dẫn bạn xem xét sơ qua các mạch điện tử xem có bị han rỉ hoặc có dấu hiệu sửa chữa như hàn xì khiến mạch điện bị xỉn màu không ?
Tháo nắp máy, kiểm tra tình trạng linh kiện bên trong
2) Kiểm tra thông số kĩ thuật
Khi đã khá ưng ý với ngoại hình chiếc máy Laptop Cũ bạn đã lựa chọn, chúng ta bắt đầu xem xét cấu hình hay thông số kĩ thuật của máy.
Kiểm tra thông số CPU, RAM
C1: Mở dxdiag trong RUN bằng phím tắt Window+R
C2: Mở dxdiag trong công cụ tìm kiếm Start
C3: Kiểm tra bằng cửa sổ System bằng cách Click chuột phải Computer và chọn Properties
Chip (CPU) là chỉ số ảnh hưởng lớn đến tốc độ xử lý của máy Laptop, nếu chỉ kiếm tra sơ lược qua chúng ta nên chú ý xem CPU này có bao nhiêu nhân và luồng, tần số cơ sở là bao nhiêu Ghz. Thông thường các chỉ số này càng cao thì tốc độ xử lý càng nhanh. Để kiểm tra chính xác nhất chúng ta có thể tra thêm thông tin về CPU trên Google hoặc bình luận bài viết phía dưới Duylinhlaptop sẽ giải đáp một cách nhanh chóng. Với chỉ số Ram, nếu sử dụng để lướt web, giải trí mạng thì chỉ cần 2Gb là đủ, nhưng nếu để làm việc văn phòng phục vụ đánh máy văn bản, mở nhiều trình duyệt web thì nên lựa chọn mức ram 4Gb. Đối với người dùng cần sử dụng các ứng dụng chuyên dụng, ngốn nhiều bộ nhớ, thì nên sử dụng với mức ram từ 8GB trở lên để tối ưu hiệu suất công việc. Tùy thuộc vào từng model máy khác nhau mà ram có thể nâng cấp và thay thế, chúng ta có thể nâng cấp từ ram 2Gb lên 4Gb hoặc 4Gb lên 8Gb nhanh chóng dễ dàng, vì vậy đừng ngại bỏ thêm một chút chi phí để nâng cấp chiếc Laptop Cũ của bạn giúp sử dụng tốt hơn.
Kiểm tra thông số card Onboard
C1: Trong cửa sổ Dxdiag chọn thẻ Display
C2: Mở cửa sổ Device Manager bằng cách click chuột phải Computer -> Manage -> Device Manager -> Display adapters.
Đối với những chiếc Laptop chỉ hiển thị một tab Display trong cửa sổ Dxdiag hay một Driver Intel trong cửa sổ Device Manager thì thường chỉ chạy card Onboard, muốn hiểu thêm về thông số chính xác của card Onboard đang sử dụng thì người dùng có thể tìm kiếm trên Google hoặc comment bên dưới để Duylinhlaptop giải đáp nhanh chóng. Đối với dòng card Onboard, tên gọi thường bắt đầu bằng Intel, khả năng hỗ trợ xử lý đồ họa của dòng card Onboard kém hơn so với các dòng card rời, nhưng sử dụng rất ổn định, ít khi gặp lỗi, nhiệt độ sử dụng không quá nóng, giúp máy có độ bền tốt hơn.
Kiểm tra thông số card rời
C1: Chọn thẻ Render (Nếu có) trong cửa sổ Dxdiag
C2: Mở cửa sổ Device Manager bằng cách click chuột phải Computer -> Manage -> Device Manager -> Display adapters.
Một số dòng card rời Laptop sẽ không hiển thị thẻ Render trong cửa sổ Dxdiag, nên để kiểm tra chính xác nhất thì người dùng nên mở cửa sổ Device Manager để xem chi tiết, với Driver ghi tên Intel là dòng card Onboard và Driver ghi tên NVIDIA hoặc AMD là card rời. Thông số chi tiết về card đồ họa có thể tra tên trên Google hoặc comment phía dưới để Duylinhlaptop giải đáp một cách nhanh chóng. Dòng Laptop Cũ có Card rời cho khả năng xử lý đồ họa cực tốt, phục vụ quá trình render hình ảnh, video danh chóng. Ngoài ra nếu muốn xử lý các chương trình đồ họa thì không thể nào thiếu card rời được, nhưng khi sử dụng máy sẽ rất nóng, hoạt động liên tục sẽ gây ảnh hưởng đến tuổi thọ của Laptop.
Kiểm tra dung lượng ổ cứng
Mở cửa sổ Disk Management bằng cách click chuột phải Computer -> Manage -> Disk Management để kiểm tra ổ cứng
Ổ cứng trên Laptop là phần lưu trữ dữ liệu, dung lượng ổ cứng càng lớn, mức độ lưu trữ dữ liệu càng nhiều. Thông thường với ổ HDD Laptop có các mức dung lượng: 80Gb, 160Gb, 250Gb, 500Gb, 1Tb, ... Đối với ổ SSD trên Laptop thì có các mức dung lượng 30Gb, 60Gb, 80Gb, 120Gb, 128Gb, 240Gb, 256Gb, 500Gb. Chỉ số dung lượng ổ cứng khi hiển thị trong máy tính sẽ ít hơn dung lượng thật một chút vì phải chừa một phần để chạy hệ thống, vì thế nên người dùng cần dựa vào các mức dung lượng cơ bản trên để kiểm tra so sánh với dung lượng trong máy tính để tìm ra chính xác mức dung lượng ổ cứng.
Kiểm tra độ phân giải màn hình
Mở cửa sổ Display bằng cách click chuột phải ngoài Desktop (nền) -> Dispaly settings -> Display.
Thông số trong thuộc tính Resolution của cửa sổ Display sẽ cho biết màn hình có độ phân giải bao nhiêu. Độ phân giải càng lớn, đồng nghĩa với việc hình ảnh sẽ càng chi tiết, sắc nét. Thông thường các dòng Laptop phổ thông sẽ có các cấp độ phân giải như sau: 1366x768px, HD(1600x900px), Full HD(1920x1080px). Với các dòng Laptop cao cấp thì sẽ có độ phân giải cao đến 2K, 4K.
3) Test các bộ phận trên Laptop
Chúng ta cần kiểm tra chính xác các bộ phận trên Laptop Cũ vẫn hoạt động bình thường với thông số đánh giá tốt nhất. Ngoài việc đánh giá khách quan bằng cách kiểm tra bên ngoài, chúng ta có thể sử dụng các phần mềm chuyên dụng để kiểm tra tương đối các chỉ số linh kiện trên Laptop Cũ.
Test ổ cứng
Test ổ cứng HDD bằng phần mềm Hard Disk Sentinel. Link tải phần mềm:
https://www.harddisksentinel.com/hdsentinel_pro_setup.zip
Test ổ cứng SSD bằng phần mềm SSDLife Pro. Link tải phần mềm:
https://ssd-life.com/SSDLifePro.exe
Để kiểm tra nhanh và chính xác ổ cứng thì chúng ta nên sử dụng các phần mềm hỗ trợ. Đối với ổ cứng HDD, chúng ta sử dụng phần mềm Hard Disk Sentinel, với chỉ số Performance cho biết hiệu suất hoạt động của ổ cứng và chỉ số Health cho biết sức khỏe của ổ cứng hiện tại, nếu cả hai chỉ số này đều đạt 100% là sử dụng tốt. Đối với ổ cứng SSD chúng ta không thể sử dụng Hard Disk Sentinel được, phần mềm đôi lúc sẽ báo những thông tin không chính xác, để kiểm tra ổ cứng SSD chuẩn xác nhất thì chúng ta sử dụng SSDLife Pro, phần mềm sẽ thông báo đầy đủ về mức dung lượng, thời gian sử dụng, sức khỏe, số lần đã sử dụng,... Ổ cứng là một bộ phận khá quan trọng trong chiếc Laptop, nếu ổ cứng bị hỏng hoặc lỗi sẽ gây ảnh hưởng đến dữ liệu quan trọng, sẽ mất rất nhiều công và chi phí để khôi phục, vì vậy hãy chắc chắn rằng ổ cứng hoạt động tốt với sức khỏe 100%.
Test các nút bàn phím và phím bấm chuột
Test phím Online trên trang web
http://www.keyboardtester.com/tester.html
Test phím khi không có mạng bằng phần mềm KeyboardTest. Link tải phần mềm:
https://www.passmark.com/ftp/keytest.exe
Để kiểm tra các phím chúng ta sử dụng phần mềm test phím Online hoặc phần mềm download trong máy nếu không có kết nối mạng. Người dùng có thể ấn từng phím, kiểm tra xem trên phần mềm có sáng đèn khi ấn không, hoặc có phím nào tự động ấn không để báo cho bên bán thay thế và khắc phục nhanh chóng.
Kiểm tra màu sắc màn hình, kiểm tra điểm chết
C1: Chọn chế độ màu Solid Color bằng cách click chuột phải Desktop (nền) -> Personalize -> Background -> Background -> Solid Color.
Chuyển đổi các màu trên màn hình và kiểm tra xem trên màn có điểm ảnh nào màu bị sẫm hoặc chấm đen, đó chính là điểm chết màn.
C2: Truy cập vào video Display Test tại
https://youtu.be/JeQuelXsUYA mở chế độ full màn hình và kiểm tra.
Test màn hình cảm ứng.
Đối với những máy có màn hình cảm ứng, chúng ta click đúp vào icon phần mềm ở màn hình Desktop, giữ và di chuyển trên toàn bộ màn hình, nếu đến một vùng nào đấy trên màn mà icon bị rơi ra, chúng ta nên kiểm tra kĩ lại vùng đó để chắc chắn là vùng đó có hoặc không bị liệt cảm ứng. Nếu bạn là một người ưa thích tính năng này thì hãy kiểm tra kĩ lượng, sẽ thật đáng tiếc nếu một vùng nào đó trên màn bị liệt cảm ứng, về lâu dài có thể gây ảnh hưởng đến tuổi thọ và gây chập lan ra các phần khác khiến liệt toàn bộ cảm ứng.
Kiểm tra điểm chết trên bàn di chuột
Test bàn di chuột trên Laptop Cũ
Tương tự như test màn hình Laptop, chúng ta cũng click vào icon phần mềm và di chuyển mọi góc cách của bàn di chuột, ngoài ra có thể test các tính năng hay sử dụng như click cảm ứng, click đúp cảm ứng. Bàn di chuột là bộ phận chúng ta tương tác nhiều nhất, hãy chắc chắn rằng sẽ không có bất kì lỗi hay sự khó chịu nào khi sử dụng nhé.
Kiểm tra tình trạng pin
Sử dụng phần mềm BatteryMon để kiểm tra thông số pin. Link tải phần mềm:
https://www.passmark.com/ftp/batmon.exe
Sử dụng ứng dụng BatteryMon để kiểm tra chính xác tình trạng pin của máy Laptop. Khi chạy ứng dụng, chúng ta ấn vào nút Start, chọn tab Info -> battery Information... So sánh thông số Design Capacity (Dung lượng sản xuất) và Full Charge Capacity (Dung lượng sạc). Thông số Design Capacity sẽ luôn được giữ nguyên, chỉ có thông số Full Charge Capacity bị thay đổi, nếu hai thông số này chênh lệch càng lớn thì pin càng bị chai, lỗi nặng, gây ảnh hưởng đến thời gian và chất lượng sử dụng. Nếu bạn là một người làm việc hay phải di chuyển đi nhiều nơi, thông số pin là điều quan trọng để công việc có thể hoạt động liên tục, hiệu quả.
Cắm thử các cổng kết nối
Test cổng kết nối bằng cách, sử dụng cáp kết nối tương ứng đến các thiết bị ngoại vi.
Kiểm tra các cổng kết nối là điều cần thiết, hãy thử cắm chuột, bàn phím vào các cổng USB, thử cắm dây mạng vào cổng LAN, thử ổ đĩa của máy, thử cổng âm thanh và cổng micro. Có thể một số cổng kết nối hiện tại bạn chưa cần sử dụng nhưng có không có nghĩa là sẽ không bao giờ, có thể một lúc nào đấy công việc sẽ yêu cầu thì sao. Vậy nên hãy kiểm tra các cổng kết nối thật kĩ lưỡng nhé.
Kiểm tra wifi + âm thanh
Kết nối mạng và mở video để kiểm tra âm thanh.
Wifi và loa là thứ không thể thiếu để bạn có thể lướt mạng trải nghiệm những bản nhạc online hay xem phim trực tuyến, vì thế hãy kiểm tra để tránh bỏ qua bất cứ lỗi lầm nào.
Test card màn hình
Sử dụng phần mềm FurMark để test card đồ họa. Link tải phần mềm:
https://www.geeks3d.com/dl/show/569
Nếu bạn làm về thiết kế đồ họa, kiểm tra card đồ họa rời sẽ là một điều cực kì cần thiết, giúp cho Laptop có thể hoạt động ổn định khi render các hình ảnh, video dung lượng lớn, ngoài ra hình ảnh hiển thị sẽ không bị gặp lỗi như nhiễu, sai màu,...
4) Thời hạn và chính sách bảo hành
Vì là Laptop Cũ nên cũng có sự rủi ro trong qua trình sử dụng gây nên hỏng hóc không mong muốn, vì thế chính sách bảo hành là điều cần thiết đối với việc chọn mua Laptop Cũ. Chúng ta nên xem xét thời hạn bảo hành là bao lâu và có phù hợp với mức giá không. Ví dụ cùng là một chiếc Laptop Cũ Dell Latitude E6420 nhưng cửa hàng A bán với mức giá 6tr600k chỉ bảo hành 3 tháng, còn cửa hàng B bán với mức giá 6tr900k lại bảo hành tận 12 tháng, chúng ta nên cân nhắc giữa việc tối ưu chi phí 300k chênh lệch hay là chọn thời hạn bảo hành lâu dài an toàn.
Ngoài ra chính sách bảo hành rất cũng rất quan trọng, nhưng nhiều người dùng lại không hay để ý, gây ra việc hiểu lầm giữa người mua và người bán. Ví dụ tại Duylinhlaptop.vn chúng tôi chỉ áp dụng bảo hành 3 tháng cho toàn bộ Laptop Cũ nhưng hỗ trợ bảo hành toàn bộ phần cứng trong thời gian này, nhưng có một số bên khác thì bảo hành tận 12 tháng nhưng chỉ hỗ trợ bảo hành 1 lần cho mỗi linh kiện, hoặc bảo hành cho toàn bộ phần cứng trong vòng 12 tháng trừ Main và Màn hình thì bảo hành có 1 tháng. Vì vậy, người mua hàng nên tìm hiểu những thông tin chính sách về bảo hành tại cửa hàng mình mua Laptop Cũ, tránh việc hiểu nhầm bên bán chối bỏ trách nhiệm, hay có những thông tin xác thực để đòi hỏi quyền lợi mua hàng.
Kết: Mong rằng sau bài viết này, bạn sẽ có thêm những thông tin hữu ích và đầy đủ để chọn mua một chiếc Laptop Cũ với giá thành hợp lý và phù hợp với nhu cầu sử dụng với chất lượng tốt nhất. Nếu có bất cứ thắc mắc nào, vui lòng phản hồi bằng bình luận phía dưới. Hãy chia sẻ bài viết nếu cảm thấy thực sự hữu ích.